Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Nấm mốc gây hại cho sức khỏe như thế nào?

Nhìn chung, đa số nấm mốc không ảnh hưởng đến người khỏe mạnh. Người có vấn đề về sức khỏe thì rất dễ nhạy cảm với nấm mốc.


Với người bị dị ứng hoặc hen suyễn, khi nhiễm nấm, da sẽ dễ bị mẩn đỏ và ngứa ngáy, chảy nước mũi, ngứa mắt, ho, xung huyết và làm bệnh hen suyễn trầm trọng hơn. Ngoài ra, người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc mắc các chứng bệnh về phổi cũng dễ bị nấm mốc tấn công.

Một số nghiên cứu cho rằng, việc nhiễm nấm có khi còn gây ra tác hại nghiêm trọng hơn như bị sốt cao, có triệu chứng cúm, mệt mỏi, viêm đường hô hấp (có khi ho ra máu), khó thở, chảy nước mũi thường xuyên, chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, nôn mửa và gây hại gan.

Những phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi làm việc trong môi trường chứa nhiều nấm mốc. Tuy nhiên, các triệu chứng trên có thể biến mất khi không còn tiếp xúc với nấm mốc.

 

Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi sẽ được sản sinh do sự trao đổi chất của nấm mốc. Hợp chất này phát tán ra không khí, gây mùi nồng và khó chịu. Nhiễm hợp chất này sẽ làm mắt bị dị ứng, đường hô hấp viêm nhiễm gây ra nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, viêm mũi.

Một số nấm sinh ra chất độc để chống lại những loại nấm hay vi khuẩn khác. Tùy theo mức độ, những độc tố này cũng sẽ ảnh hưởng lên người như gây nhức đầu, viêm nhiễm đường hô hấp và kích ứng mắt.

Có thể chẩn đoán nhiễm nấm khi thử kháng thể, nhưng sự hiện diện của kháng thể chỉ cho biết cơ thể đã nhiễm nấm mà không biết nhiễm khi nào và mức độ nhiễm. Việc kiểm tra kháng thể độc lập không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là từ nấm mốc.

Một số xét nghiệm cho kết quả bạn có bị dị ứng nấm mốc hay không. Các xét nghiệm này thử trên da hoặc máu, trong đó thử nghiệm trên da có mức độ tin cậy cao, kết quả nhanh và chi phí thấp hơn. Xét nghiệm máu RAST cho biết mức độ của kháng thể đối với tác nhân gây dị ứng và thường cho biết kết quả sau hai tuần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét